Cá độ bóng đá luôn là một vấn đề nhức nhối trong xã hội, đặc biệt là vào các dịp diễn ra các giải đấu lớn như Euro. Trong lúc tán gẫu, nhiều người đã cho bạn bè mượn tiền để tham gia cá độ. Vậy liệu hành động cho mượn tiền để cá độ này có bị xem là đồng phạm không? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về những rủi ro pháp lý mà bạn có thể đối mặt khi cho bạn mượn tiền trong trường hợp này nhé.
Quy định của pháp luật về tội cá độ
Đánh bạc là hành vi mà người tham gia sử dụng tiền hoặc hiện vật để đặt cược với mong muốn thắng thua. Trong mùa Euro, cá độ bóng đá là một trong những hình thức đánh bạc phổ biến nhất. Theo đó, việc mượn tiền để cá độ bóng đá cũng có thể được coi là hành vi liên quan trực tiếp đến tội đánh bạc nếu đủ yếu tố cấu thành.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi đánh bạc bao gồm cả cá độ bóng đá, được coi là bất hợp pháp nếu không có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định rõ về tội đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào đều có thể bị xử lý hình sự nếu giá trị tài sản từ 5 triệu đồng trở lên hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt hành chính hoặc có tiền án về tội này.
Xem thêm:
Cho bạn mượn tiền để cá độ bóng đá có tính là đồng phạm hay không?
Theo Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau:
“Đồng phạm
- Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
- Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
- Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
- Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
Như vậy, để xác định bạn có phải là đồng phạm không còn phù thuộc vào việc bạn có biết rõ mục đích vay tiền hay không, cụ thể:
- Nếu bạn không biết mục đích mượn tiền là đi cá độ: Trường hợp này, việc cho vay tiền là một giao dịch dân sự hợp pháp. Bạn sẽ không bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời cũng không thuộc trường hợp không tố giác tội phạm, che giấu tội phạm.
- Nếu bạn biết rõ người mượn tiền để cá độ: Khi đó, bạn có thể bị xem là đồng phạm với vai trò là người giúp sức cho hành vi cá độ, vi phạm quy định về đánh bạc trái phép theo Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015. Mặc dù người cho mượn tiền không trực tiếp tham gia vào việc đặt cược nhưng đã cung cấp phương tiện tài chính giúp người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Các yếu tố xác định đồng phạm trong việc cho mượn tiền
Để xác định liệu người cho mượn tiền có phải là đồng phạm hay không, cơ quan điều tra sẽ xem xét các yếu tố sau:
- Nhận thức và ý thức của người cho mượn tiền: Nếu người cho mượn tiền biết rõ rằng số tiền sẽ được sử dụng để cá độ bóng đá nhưng vẫn đồng ý cho mượn, bạn sẽ bị coi là đã cố ý giúp sức cho hành vi đánh bạc.
- Mối quan hệ giữa người cho mượn tiền và người mượn tiền: Nếu người mượn tiền là bạn bè, người thân và mối quan hệ giữa hai bên đã tồn tại từ trước, khả năng người cho mượn tiền biết về mục đích của số tiền sẽ cao hơn. Điều này có thể làm tăng khả năng họ bị xem xét là đồng phạm.
- Hành động sau khi cho mượn tiền: Nếu người cho mượn tiền sau đó tiếp tục liên quan đến việc đánh bạc, ví dụ như đòi nợ hoặc tham gia vào việc sử dụng số tiền thắng cược, điều này có thể củng cố thêm bằng chứng rằng họ đã tham gia vào hành vi vi phạm pháp luật.
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý
Trong trường hợp cho bạn mượn tiền để cá độ bị coi là đồng phạm, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Nếu người cho mượn tiền chỉ thực hiện hành vi một lần và không có động cơ lợi ích cá nhân.
- Nếu người cho mượn tiền đang trong hoàn cảnh khó khăn hoặc bị ép buộc.
- Nếu người cho mượn tiền tự nguyện khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra.
Hậu quả pháp lý khi cố ý che giấu, giúp sức người cá độ bóng đá
Điểm c Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi giúp sức hoặc che giấu việc đánh bạc trái phép. Đây là mức phạt áp dụng cho cá nhân. Trong trường hợp hành vi này được thực hiện bởi tổ chức, mức phạt có thể tăng gấp đôi, tức là từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Việc cho mượn tiền để cá độ bóng đá trong mùa Euro có thể khiến người cho mượn tiền bị coi là đồng phạm trong tội đánh bạc, tùy thuộc vào các yếu tố như nhận thức và ý định của họ. Để tránh những rủi ro pháp lý không đáng có, người dân cần cẩn trọng trong việc cho mượn tiền, đặc biệt là trong các dịp có nhiều hoạt động cá độ diễn ra.