Con vay tiền cá độ, gia đình có phải gánh nợ thay?

vay tiền cá độ

Gần đây, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi từ các bậc phụ huynh lo lắng về việc con cái vay tiền để cá độ bóng đá, đặc biệt là sau kỳ Euro 2024 vừa qua. Một trường hợp điển hình là từ một gia đình ông bà A có người con trai đã vay tiền từ “tín dụng đen” để chơi cá độ và thua lỗ nặng nề. Hiện nay, khoản nợ đã lên đến hàng trăm triệu đồng và chủ nợ không chỉ đòi con trai mà còn gây áp lực lên cả bố mẹ và vợ của anh để trả nợ thay.

Vậy trong tình huống này, bố mẹ có trách nhiệm phải gánh nợ cho con trai không? Và gia đình cần phải làm gì để đối phó với tình trạng này? Chúng tôi sẽ giải đáp những thắc mắc này để giúp bạn hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Con cái vay tiền cá độ, bố mẹ có phải gánh nợ thay hay không?

Khi con cái vay tiền để cá độ bóng đá, đây là hành vi cờ bạc và hoàn toàn do cá nhân họ chịu trách nhiệm. Bố mẹ hoặc vợ không phải chịu trách nhiệm trả nợ thay, vì khoản nợ này không liên quan đến nhu cầu thiết yếu của gia đình. Người vay tiền cá độ sẽ tự mình gánh hậu quả. Điều này đã được pháp luật quy định rõ ràng như sau:

Theo Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Người chưa thành niên

  1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
  2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
  3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
  4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Theo Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

Cha mẹ có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc và giáo dục con cái, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên hoặc con không có khả năng tự nuôi sống mình. Tuy nhiên, nếu con bạn đã đủ điều kiện để tự chịu trách nhiệm về các giao dịch dân sự như vay tiền để cá độ, con sẽ phải tự trả nợ.

Như vậy, nếu con bạn đã đủ 15 tuổi, con sẽ tự chịu trách nhiệm về các hành vi của mình, bao gồm việc vay tiền để cá độ bóng đá. Cha mẹ không có nghĩa vụ trả nợ thay con, trừ khi cha mẹ tự nguyện muốn làm điều đó. Pháp luật không yêu cầu cha mẹ phải gánh nợ thay cho con. Nếu có người ép buộc gia đình trả nợ thay, bạn có thể báo cho cơ quan chức năng để được bảo vệ và giải quyết.

Chồng vay tiền cá độ thì vợ có phải trả thay chồng không?

Nếu chồng bạn vay tiền cá độ bóng đá và dẫn đến vỡ nợ, đó là hành vi đánh bạc trái phép và vi phạm pháp luật. Khoản nợ này được coi là nợ riêng của chồng bạn. Do đó, bạn không có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho chồng trong trường hợp này. Điều này đã được pháp luật quy định rõ ràng như sau:

Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

  1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
  2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
  4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
  5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
  6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Bổ sung Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định rằng:

Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng

Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

  1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;
  2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;
  3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;
  4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Qua 2 Điều luật nêu trên cho thấy, nếu chồng bạn vay tiền cá độ và thiếu nợ thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Và khoản vay này được coi là nợ riêng của chồng, không liên quan đến nhu cầu chung của gia đình. Do đó, bạn không có nghĩa vụ phải trả nợ thay cho chồng. Nếu bạn bị chủ nợ quấy rối, hãy báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời, tránh những hậu quả không mong muốn. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *