Sau mùa Euro 2024, nhiều người đã phải đối mặt với những khoản thua cá độ lớn và không biết phải làm gì để giải quyết tình hình. Một câu hỏi thường gặp mà tôi nhận được gần đây là: “Thưa luật sư, em thua cá độ một số tiền lớn giờ không có khả năng trả. Em định báo công an để họ bắt ổ sới bạc đó. Em nghe nói thua cá độ báo công an để giải quyết sẽ được khoan hồng, không biết có đúng không ạ? Em có bị xử lý gì không?”
Đây là một vấn đề pháp lý không chỉ phức tạp mà còn nhạy cảm. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần làm rõ một số điểm quan trọng sau.
Quy định pháp lý về cá độ bóng đá tại Việt Nam
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cá độ bóng đá là hành vi đặt cược tiền hoặc tài sản vào kết quả của một trận đấu bóng đá dưới bất kỳ hình thức nào, mà không được phép theo quy định của pháp luật. Đây được xem là hành vi đánh bạc trái phép, vi phạm pháp luật hình sự và hành chính.
Theo Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đánh bạc trái phép bị xử lý hình sự nếu số tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc từ 5 triệu đồng trở lên. Trường hợp dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, người phạm tội vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thua cá độ không trả độ được không?
Theo Luật Thể dục thể thao sửa đổi năm 2018, đặt cược thể thao có thể được hợp pháp hóa trong tương lai. Tuy nhiên, cá cược bóng đá chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và không có tổ chức nào được phép kinh doanh loại hình này. Vì vậy, mọi hoạt động cá độ bóng đá hiện nay đều là bất hợp pháp tại Việt Nam.
Khi tham gia cá độ bóng đá, người thua cược theo thỏa thuận ban đầu phải trả tiền cho người thắng dựa trên kết quả trận đấu. Đây là nguyên tắc thông thường trong trò cá cược. Nhưng do cá độ bóng đá là hành vi bị pháp luật cấm, các giao dịch cá cược này không được pháp luật công nhận. Đồng thời theo Điều 117 và Điều 131 của Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự không hợp pháp (như cá độ bóng đá) sẽ bị coi là vô hiệu. Điều này có nghĩa là người thua cá độ không cần phải trả tiền cược cho người thắng. Giao dịch cá cược này được xem là vô hiệu từ thời điểm nó được thực hiện.
Xem thêm:
Thua cá độ báo công an thì có bị xử lý hình sự không?
Theo Điều 321, Điều 322, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định:
– Đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
– Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm:
+ Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
+ Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc
+ Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Tội đánh bạc được quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) với mức hình phạt như sau (Khung 1):
– Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Tiền hoặc hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Tiền hoặc hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc;
+ Tiền hoặc hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…
Mức phạt hành chính hành vi đánh bạc trái phép được quy định tại Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
– Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
+ Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
+ Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
Như vậy, nếu bạn tham gia cá độ bóng đá mà không có giấy phép hợp pháp là bạn đang vi phạm pháp luật. Dù bạn có thua tiền và quyết định báo công an về tình hình của mình, điều này không thay đổi việc bạn đã thực hiện hành vi cá độ trái phép. Pháp luật yêu cầu cả hai bên, người tổ chức và người tham gia, đều phải chịu trách nhiệm nếu hành vi của họ vi phạm quy định pháp luật.
Vì vậy, báo công an không giúp bạn thoát khỏi trách nhiệm pháp lý đối với hành vi cá độ trái phép của mình. Bạn vẫn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật, bao gồm xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi của bạn có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Thua cá độ báo công an có được khoan hồng không?
Nếu bạn đã tham gia cá độ bóng đá và bị bắt, việc bạn báo công an và hợp tác với cơ quan chức năng có thể giúp giảm nhẹ hình phạt.
Theo quy định của pháp luật, tất cả những người tham gia cá độ đều phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu bạn tự thú và thành khẩn khai báo, cung cấp thông tin giúp cơ quan công an triệt phá các đường dây cá độ, bạn có thể được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các tình tiết giảm nhẹ hình phạt như sau:
- Tự thú: Nếu bạn tự nguyện khai báo hành vi phạm tội của mình.
- Thành khẩn khai báo và hối cải: Nếu bạn thành thật khai báo và tỏ ra ăn năn về hành vi của mình.
- Hợp tác tích cực: Nếu bạn giúp đỡ cơ quan công an trong việc phát hiện và giải quyết vụ án.
Khi có ít nhất hai trong số các tình tiết giảm nhẹ này, tòa án có thể áp dụng mức án nhẹ hơn, nhưng vẫn phải trong khung hình phạt theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu bạn đã tham gia cá độ bóng đá và quyết định báo công an cùng với việc hợp tác, bạn có thể được giảm nhẹ hình phạt theo quy định của pháp luật.